Lm. Oscar Lukefahr C.M. – Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật
Chữ Kinh Thánh Có Nghĩa Gì
Một câu có nghĩa khen ngợi trong một văn hóa lại có thể mang ý nghĩa xỉ nhục trong một văn hóa khác. Một chữ thích hợp trong một ngôn ngữ lại có thể là một lựa chọn sai lầm trong một văn hóa khác. Thí dụ, vài năm trước đây, hãng Chevrolet sản xuất chiếc xe được gọi là “Nova”. Xe này được xuất cảng sang Mễ Tây Cơ, ở đây cái tên này làm người ta bối rối. Tiếng Tây Ban Nha, No va có nghĩa “nó không đi”!
Kinh Thánh được viết từ xa xưa trong khoảng một thời gian ngàn năm bởi những người thuộc về văn hóa rất khác với chúng ta và họ nói các thứ tiếng mà chúng ta không hiểu. Kinh Thánh sử dụng các hình thức văn chương đã thay đổi nhiều so với văn chương của chúng ta. Nhiều chữ quan trọng của Kinh Thánh (những lời của Chúa Giêsu) được nói bằng một ngôn ngữ (Aramaic), được viết xuống bằng một ngôn ngữ khác (Hy Lạp), và được dịch sang một ngôn ngữ thứ ba (Việt Nam). Không lạ gì chúng ta có nhiều khó khăn để phân biệt ý nghĩa của Kinh Thánh.
Giáo Hội Công Giáo và nhiều giáo phái Kitô khác tin rằng ngoài con người, Kinh Thánh còn có Thiên Chúa là tác giả. Điều này có nghĩa chúng ta có thể mong đợi một mức độ đáng tin cậy nào đó. Nhưng nó cũng thêm phức tạp. Làm thế nào Thiên Chúa và con người lại có thể là tác giả của cùng những sáng tác? Phải giải thích thế nào về những sáng tác đó?
Lập trường chính thức của Giáo Hội Công Giáo là cho rằng Thiên Chúa đã linh ứng cho các tác giả người trần để viết xuống với các tài nghệ, khả năng, và kiểu cách của họ. Thiên Chúa không đọc cho họ viết xuống hoặc sử dụng họ giống như các nghệ nhân nói nhại tiếng (ventriloquist) khi điều khiển các người nộm. Vì thế, chúng ta có thể hiểu các phần của Kinh Thánh bằng cách trở về thời gian và nơi chốn của tác giả người trần và khám phá ra điều mà tác giả này muốn bầy tỏ.
Việc chuyển dịch Kinh Thánh sẽ được nghiên cứu chi tiết về sau. Điều hiển nhiên bây giờ là Kinh Thánh phải được dẫn giải. Có những người nói rằng chúng ta có thể phân biệt Kinh Thánh chỉ bởi chữ viết. Nhưng đoạn văn của hàng ngàn năm trước và Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ cho các văn hóa khác nhau có nghĩa sự nghiên cứu và dẫn giải là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh.
Để minh họa thêm điểm này, chúng ta chỉ cần nhìn đến một vài đoạn trích từ Kinh Thánh. Thánh Vịnh 144:1 nói về Thiên Chúa: “Chúc tụng Chúa, đá tảng của tôi.” Có phải điều này có nghĩa Thiên Chúa là khoáng sản cứng rắn hay nó có nghĩa Thiên Chúa là đấng tạo hóa toàn năng mà chúng ta có thể nương tựa vào? Sự dẫn giải thì cần thiết. Một thí dụ khác có thể tìm thấy trong Luca 14:26, Chúa Giêsu nói, “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và ngay cả chính mình, thì không thể là môn đệ của tôi.” Có phải Chúa Giêsu muốn nói theo nghĩa đen là chúng ta phải bỏ tất cả bà con thân thích của chúng ta? Hay tiếng Aramaic mà Chúa Giêsu nói thì có một ý nghĩa nào đó? Một lần nữa, sự dẫn giải thì tuyệt đối cần thiết!
Nghiên Cứu của Học Giả và Kinh Thánh
Ý tưởng dẫn giải Kinh Thánh làm cho một số người Công Giáo cảm thấy bứt rứt. Có thể họ nghe rằng một số đoạn Kinh Thánh từng được cho là có tính cách lịch sử nhưng bây giờ lại được dẫn giải một cách khác. Có phải điều này có nghĩa là toàn bộ Kinh Thánh chỉ là một loại chuyện thần tiên?
Chắc chắc không. Trong những năm gần đây có những thay đổi về sự hiểu biết của chúng ta về các phần của Kinh Thánh. Những thay đổi này là vì những khám phá mới của các học giả trong các lãnh vực ngôn ngữ, khảo cổ, và lịch sử.
Ngôn ngữ: Trong thế kỷ mười chín và hai mươi, các tài liệu chưa từng biết từ thời Kinh Thánh đã được đem ra ánh sáng. Các nguyên bản bằng tiếng Ai Cập, Assyria, Babylon, Ba Tư, Aramaic, và nhiều ngôn ngữ khác đã giúp các học giả giải đoán cách hành văn và suy nghĩ cổ xưa. Những khám phá như của “Dead Sea Scrolls” (các bản sao Kinh Thánh và các văn chương khác được tìm thấy trong các hang động ở sa mạc vùng đông nam Giêrusalem) vào năm 1947 đã giúp các nhà nghiên cứu tiến bộ đáng kể về sự hiểu biết Cựu và Tân Ước.
Khảo cổ. Trong hai thế kỷ gần đây, các nhà khảo cổ đã chiếu rọi ánh sáng mới trên Kinh Thánh. Các lăng tẩm và toàn thành phố được đào xới và nghiên cứu ở Ai Cập, Palestine, và các vùng quan trọng khác đối với Kinh Thánh. Hầu như mọi góc cạnh của đời sống được nhắc đến trong Kinh Thánh thì đều được sáng tỏ cách nào đó.
Lịch sử. Được trợ giúp bởi các khám phá của khảo cổ học, các sử gia có được một hình ảnh chính xác hơn về thời cổ xưa. Họ có thể ghi nhận những sự kiện có thật về lịch sử trong Kinh Thánh và phân biệt với những phần Kinh Thánh không có tính cách lịch sử.
Kết quả là có lẽ chúng ta ở một vị thế tốt hơn để hiểu được ý nghĩa nguyên thủy của các tác giả Kinh Thánh hơn bất cứ ai kể từ thời Đức Giêsu. Có lẽ chúng ta phải duyệt lại cách nhìn đến một số phần của Kinh Thánh, nhưng điều này không ám chỉ rằng toàn bộ Kinh Thánh là chuyện thần tiên. Trong Kinh Thánh có lịch sử. Nhưng cũng có các dụ ngôn, thơ văn, chuyện ngắn, bài hát, kịch, truyện phiếm, và các loại thể văn khác.
Tất cả những điều này dường như ngút ngàn. Thật đúng là để hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử thời xưa cần có một phương pháp nghiên cứu vượt quá khả năng của rất nhiều người. Nhưng các học giả Kinh Thánh đã đặt được nền tảng này cho chúng ta. Với sự giúp đỡ của họ, chúng ta có thể học cách nhận biết và hiểu được các hình thức văn chương của Kinh Thánh cũng như chúng ta nhận biết và hiểu được các loại văn chương phổ thông ngày nay.
Mỗi lần mở những bản dịch hiện nay về Kinh Thánh, chúng ta được hưởng những ích lợi từ những nghiên cứu của các học giả. Những bản dịch như thế thì gần với các bản viết tay nguyên thủy hơn là bản dịch Douay của Công Giáo hay King James của Tin Lành. Chúng ta có thể thấy phần dẫn nhập của các sách trong Kinh Thánh cũng như những ghi chú về lịch sử đã qua và giải thích những đoạn khó hiểu.
Một điểm cần lưu ý. Sách này thường nhắc đến các học giả Kinh Thánh và đề cập đến các công trình của họ. Ở đây, mọi nỗ lực là trung thành với những giảng dậy của Giáo Hội Công Giáo và trình bày các quan điểm theo chiều hướng được Giáo Hội đặt ra. Nhưng quan điểm của các học giả có thể thay đổi khi có chứng cớ mới được khám phá bởi các nhà khảo cổ, ngôn ngữ, và sử gia. Điều này không làm chúng ta hoảng hốt. Đức tin của chúng ta không dựa vào những suy đoán của các học giả, nhưng dựa trên sự khôn ngoan và thẩm quyền của Thiên Chúa. Trong khi các lý thuyết và quan điểm của học giả thay đổi, các học thuyết căn bản mà Giáo Hội Công Giáo dựa vào đó thì vững chắc và tồn tại vì chúng xuất phát từ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của chúng ta, đấng “vẫn như vậy, hôm qua và ngày nay và muôn đời” (Dt 13:8).
Những Bản Dịch Kinh Thánh Hiện Đại
Không có bản viết tay của các tác giả nguyên thủy còn tồn tại cho đến ngày nay. Các bản viết tay xưa nhất hiện có là các bản sao và bản dịch, một số có từ hai ngàn năm, một số còn xưa hơn nữa. Trong các thế kỷ qua, có nhiều bất đồng về những gì các sách nguyên thủy nói. Nhưng sự tiến bộ trong ngành khảo cổ, ngôn ngữ học, và lịch sử đã giúp các học giả đạt được sự đồng ý về thực chất của các bản văn nguyên thủy.
Kết quả là nhiều sự khác biệt quyết liệt trước đây trong các bản dịch Kinh Thánh của Tin Lành và Công Giáo đã được giảm bớt. Thí dụ, phần thêm vào kinh Lậy Cha không có trong Kinh Thánh, “For thine is kingdom, the power, and the glory” (Vì vương quyền, uy lực và vinh hiển là của Ngài) được lấy ra khỏi các bản dịch Tin Lành sau này. Tuy nhiên, hiện thời có nhiều bản dịch Anh Ngữ của Tin Lành cũng như Công Giáo khiến người ta thường hỏi, “Tại sao lại nhiều như vậy?” và “Tôi phải dùng bản dịch nào?”
Có nhiều bản dịch chỉ vì một chữ có nhiều nghĩa và được dịch khác nhau. Một dịch giả muốn dùng chữ “help” (giúp đỡ), trong khi người khác có thể thích chữ “assist” (phụ giúp). Với một nhà ngôn ngữ học, chữ “love” (tình yêu) có vẻ thích hợp trong một số hoàn cảnh hơn chữ “charity” (bác ái), trong khi với một số người khác, chữ “charity” có vẻ hợp hơn.
Một số bản dịch theo sát ngôn ngữ gốc, trong khi những bản dịch tự do hơn lại đổi chữ và định nghĩa lại các ý tưởng. Cách thứ nhất có thể đem lại một ấn bản trung thực trình bày ý tưởng của tác giả nguyên thủy, nhưng ngôn ngữ có thể gập ghềnh. Cách thứ hai có thể được lợi khi tạo ra một văn bản dễ đọc, nhưng nó cũng có thể áp đặt các thành kiến của dịch giả trên nội dung.
Có nhiều ấn bản tiếng Anh đã được phê chuẩn cho người Công Giáo ở Hoa Kỳ ngày nay. Trong đó là Jerusalem Bible, New American Bible, và New Revised Standard Version of the Bible. Đó là những bản dịch hay, đáng tin cậy mà một đàng không bị gập ghềnh và đàng khác không chỉ là những chú giải dài dòng. Bản dịch New Revised Standard Version of the Bible (được dùng cho Catechism of the Catholic Church [Giáo Lý Công Giáo]) sẽ được dùng trong cuốn sách này.
Bắt Đầu Đọc Kinh Thánh
Kinh Thánh thực sự là một tổng hợp nhiều cuốn sách. (Chữ Kinh Thánh được dịch từ chữ Hy Lạp biblia có nghĩa “nhiều sách”. Kinh Thánh còn được ám chỉ là Sách Thánh, các sáng tác thiêng liêng). Có hai phân chia chính trong Kinh Thánh: Cựu Ước, được viết trước thời của Đức Giêsu Kitô, và Tân Ước, được viết trong thời gian một trăm năm sau sự chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Hầu hết các Kinh Thánh đều có mục lục kể ra nhiều sách trong Cựu và Tân Ước cũng như danh sách các chữ tắt thường dùng trong các sách này.
Mỗi sách được chia thành các chương và các câu. Hệ thống này được sử dụng ngày nay thì không thuộc phần Kinh Thánh nguyên thủy, và những phân chia chương và câu thường không đồng bộ với ý nghĩa của đoạn văn. Nhưng nó đem lại một phương pháp được chấp nhận rộng rãi cho việc tìm kiếm những trích dẫn từ Kinh Thánh.
Cách thông thường để đưa ra một trích dẫn từ Kinh Thánh là tên của sách (thường viết tắt). Mt ám chỉ Phúc Âm Mátthêu, 1 Pr là Thư Thứ Nhất của T. Phêrô. Kế đến là một con số, cho biết số chương. Mt 2 có nghĩa Phúc Âm Mátthêu, chương 2. Số chương được đi theo bằng một dấu chấm câu (thường là hai chấm [Hoa Kỳ], nhưng đôi khi là dấu phẩy hay chấm phẩy [Việt Nam]), sau đó là các số biểu thị các câu. Vậy, Mt 2:19-23 có nghĩa Phúc Âm Mátthêu, chương 2, câu 19 đến 23.
Nếu trích dẫn ám chỉ nhiều hơn một chương, nó được viết Mt 2:19 – 3:6, có nghĩa Phúc Âm Mátthêu, chương 2 câu 19 cho đến chương 3 câu 6.
Đôi khi các câu trong cùng một chương được đề cập đến, trong khi các câu khác không cần để ý. Một dấu phẩy được dùng để cho biết các câu không cần để ý. Thí dụ, 1 Cv 2:1-4, 10-11 ám chỉ Sách Các Vua quyển I, chương 2, câu 1 đến câu 4 và câu 10 đến câu 11. (Các câu 5 đến 9 bị bỏ qua).
Lúc đầu hệ thống này có vẻ lộn xộn, nhưng nó trở nên dễ hơn khi người đọc quen thuộc với Kinh Thánh và với cách tìm kiếm các đoạn. Từ đây trở đi, các trích dẫn Kinh Thánh trong sách này sẽ dùng các chữ tắt.
Giúp Đọc Kinh Thánh
Sách này sẽ hướng dẫn độc giả về Kinh Thánh. Sự giúp đỡ thêm có thể tìm thấy trong nhiều cuốn nghiên cứu Kinh Thánh. Cuốn chú giải (commentary) Kinh Thánh có những giải thích từng câu của đoạn Kinh Thánh. Cuốn mục lục (concordance) liệt kê sự xuất hiện của các chữ trong Kinh Thánh và cho biết chương và câu để tìm thấy chữ này. Cuốn từ điển Kinh Thánh giải thích những chữ, tên, và địa danh quan trọng trong Kinh Thánh.
Có hàng ngàn sách cung cấp thông tin về Kinh Thánh. Một số sách rất hữu ích và phù hợp với sự giảng dậy của Công Giáo. Một số tài liệu khác, ngay cả tự cho rằng không thuộc giáo phái nào, thì trái với giáo lý Công Giáo và tấn công đức tin Công Giáo. Độc giả có thể đánh giá các tài liệu này bằng sách đọc sơ trong thư viện hoặc lướt qua các sách về Kinh Thánh trong một tiệm sách Công Giáo.
Đức Tin và Kinh Thánh
Kinh Thánh từng là cuốn sách được đọc nhiều nhất trong hai ngàn năm. Sách đề cập đến mọi hoàn cảnh của con người, phản ánh mọi cảm xúc, và vẽ ra những bức tranh sống động của mọi loại người – tốt và xấu. Đó là sách văn chương vĩ đại, sách sử sống động, sách thơ anh dũng, và những câu chuyện không thể quên. Những đoạn như “Chúa là mục tử của tôi” (Thánh Vịnh 23) và dụ ngôn Người Con Hoang Đàng của Chúa Giêsu (Luca 15:11-32) thường nổi tiếng và được yêu mến bởi hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.
Nhưng lý do chính tại sao Kinh Thánh lại được đọc nhiều nhất là vì nó được linh ứng bởi Thiên Chúa. Điều này có nghĩa Thiên Chúa ảnh hưởng đến các tác giả người trần để dậy bảo các chân lý cần thiết cho sự cứu độ chúng ta. Sau đó, Thiên Chúa ban cho chúng ta cuốn Kinh Thánh để trả lời câu hỏi lớn lao nhất trong cuộc đời. “Tại sao chúng ta lại ở đây?” “Đâu là nguồn của tạo vật?” “Có Thiên Chúa không, và nếu có, Thiên Chúa giống như gì?” “Chúng ta phải sống như thế nào?” “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết?”
Có thể coi Kinh Thánh chỉ là tác phẩm văn chương vĩ đại để nghiên cứu theo cùng một cách như các sách khác, nhưng điều đó không đúng. Chúng ta có thể biết nội dung và nói một cách lưu loát về các chủ đề của Kinh Thánh, nhưng chúng ta không giải quyết được vấn đề quan trọng nhất nếu chúng ta không tự hỏi: Có phải Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng? Thiên Chúa có thực sự nói với chúng ta qua các trang của Kinh Thánh không? Có phải Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết cách sống? Chúng ta có tin tưởng vào sứ điệp cứu độ và sự sống đời đời nhờ Chúa Giêsu Kitô được nói trong Kinh Thánh không?
Kinh Thánh mời gọi một đáp trả. Chúng ta có thể thích thú đọc một cuốn tiểu thuyết thật hay mà không phải thay đổi gì trong lối sống. Nhưng khi đọc Kinh Thánh, chúng ta bị thách đố để tin và hy vọng, để yêu mến và để cho đi, để hy sinh và chia sẻ, để tha thứ và được thứ tha, để lớn lên và tín thác. Chúng ta có thể quý trọng Kinh Thánh như một tác phẩm vĩ đại, nhưng chúng ta chỉ thực sự hiểu Kinh Thánh khi chúng ta coi đó như một phương tiện để đối thoại với Thiên Chúa sống động.
Một vài năm trước đây tôi gặp một cụ bà bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Sau khi chúng tôi nói về căn bệnh, tôi hỏi cụ là có sợ chết không. Cụ trả lời, “Ồ, không. Chúa Giêsu sẽ cầm tay con dẫn con lên thiên đường. Con muốn ở với chồng con, cha mẹ của con. Con biết rằng Thiên Chúa sẽ lo cho con.”
Cụ biết rõ Kinh Thánh! Có thể cụ không trích dẫn được một câu Kinh Thánh nào, nhưng cụ biết Chúa Giêsu hứa những gì, và cụ tin như thế! Ngược lại, rất có thể một học giả biết rõ những gì Chúa Giêsu nói về sự sống đời đời nhưng lại không tin vào lời ấy. Mục tiêu của chúng ta trong sự học hỏi Kinh Thánh là biết những gì Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh và tin và sống những lời ấy.
Có lúc chúng ta quay về với Kinh Thánh để học hỏi nội dung. Có lúc chúng ta mở Kinh Thánh như điểm khởi đầu của sự cầu nguyện. Có lúc chúng ta tìm đến Kinh Thánh để được hướng dẫn. Nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta hãy mở đầu với lời cầu xin khiêm tốn: “Lậy Chúa, xin giúp con hiểu những lời của Ngài. Xin giúp con tin vào lời của Ngài. Xin ban ơn thêm sức để con có thể sống lời Ngài. Amen.”
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.