Tôi Là Ai Trong Chặng Đàng Thánh Gía Chúa Giêsu?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn con đường thánh giá để cứu chuộc nhân loại. Bước vào Mùa Chay, cùng với Giáo hội chúng con đi lại con đường thương khó của Chúa năm xưa, để nhận ra mình là ai trên chặng Đàng Thánh Giá của Chúa.
Từ bữa tiệc ly, qua vườn cây dầu, đến dinh tổng trấn Philatô, và tới đỉnh đồi Golgotha là những chặng đường thương khó đầy mồ hôi máu và nước mắt mà Chúa đã trải qua. Có biết bao nhiêu khuôn mặt hiện diện trên chặng đường thương khó ấy. Họ thuộc mọi thành phần trong xã hội: quan quyền, quân lính, dân chúng, thượng tế, kinh sư, môn đệ, thân nhân, người đạo đức, tội lỗi, trộm cắp… Hàng ngàn, hàng vạn người theo Chúa khi Chúa làm phép lạ, chữa lành, trừ quỷ cho họ… nhưng đứng dưới chân thập giá Chúa số người có thể đếm trên đầu ngón tay.
Phải chăng vì thế mà trên thánh giá Chúa đã kêu lên: Ta khát! Chúa đã chết cho tất cả những khuôn mặt đó, bất kể họ là ai đối với Chúa, yêu thương hay hận thù, trung thành hay phản bội, đạo đức hay tội lỗi… Bởi vì tình yêu của Chúa quá lớn lao, vượt trên các tầng mây xanh.

Lạy Chúa Giêsu, con tự hỏi rằng, con là ai trong những khuôn mặt đó? Con có dự phần trong cuộc thương khó của Chúa không? Phải chăng mùa Chay này Chúa cũng đang nói với con rằng:

“Ai muốn theo Ta hay từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. “Linh hồn Thầy buồn đến chết được”. “Các con không tỉnh thức với Thầy được một giờ sao?” “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. “Ta khát!”

Xin Chúa giúp con nhận ra mình là ai, để con có thể trở về và sống đẹp lòng Chúa trong Mùa Chay này. Amen.

 

Nơi thứ 1: Quan Philatô luận giết Ðức Chúa Giêsu.

MC15:12-13.15 Quan Philatô lại nói với họ: ”Vậy các ngươi muốn Ta làm gì về người mà các ngươi gọi là Vua người Do thái?”. Họ lại gào lên: ”Đóng đinh nó vào thập giá!”. Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Suy niệm: Philatô là người có quyền hành trong xã hội. Mặc dù biết Chúa Giêsu vô tội, nhưng vì áp lực và muốn chiều lòng dân, Philatô đã tha cho Baraba và trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Philatô trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đấy, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Philatô khi sử dụng chức vụ, địa vị, quyền hành để trấn áp, đè bẹp người khác.

Tôi là Philatô khi kết án, chỉ trích người khác cách bất công.

Tôi là Philatô khi tham dự vào việc phá hủy, khai tử một thai nhi vô tội.

Tôi là Philatô khi không dám lên tiếng bênh vực cho công lý và sự thật.

Tôi là Philatô khi chiều lòng đám đông, hùa theo dư luận làm tổn thương người khác.

Tôi là Philatô khi chỉ muốn phủi tay trước mọi cáo gian, vu khống và tội ác.

 

Nơi thứ 2: Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá.

MC14: 44-46 Kẻ nộp Đức Giêsu đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.” Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy!”, rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt Người.

MC15:16-18 Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái!

Suy niệm: Giuđa là một trong 12 môn đệ của Chúa, được thấy Chúa bằng xương thịt, được nghe những lời Thầy dạy bảo, được cùng ăn một tấm bánh và uống một chén rượu nhưng đã phản bội Thầy mình bằng một nụ hôn. Giuđa bán Chúa và bán linh hồn mình với giá ba mươi đồng bạc. Thánh giá Chúa vác càng nặng hơn vì những phản bội của con người. Giuđa trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đấy, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Giuđa khi đặt tiền bạc, công ăn việc làm là ưu tiên hàng đầu, bất chấp lề luật, giới răn của Chúa.

Tôi là Giuđa khi không đóng góp tiền bạc cho Giáo hội xứng với lợi tức của mình.

Tôi là Giuđa khi lấy tiền bạc, tài sản chung làm của riêng.

Tôi là Giuđa khi vô ơn, bạc nghĩa với Chúa, với cha mẹ và với ân nhân của mình.

Tôi là Giuđa khi làm ăng ten, nội gián, bắt cá hai tay để làm hại người khác.

Tôi là Giuđa khi quịt nợ, gian lận sổ sách, buôn thần bán thánh.

Tôi là Giuđa khi lên án, kết tội, chỉ trích người khác.

 

Nơi thứ 3: Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất.

MT26:73-75 Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.”

Suy niệm: Vấp ngã, phạm tội là một điều không thể tránh khỏi của một con người. Có sa ngã, ta mới thấy mình yếu đuối và cần Chúa hơn. Có sa ngã, ta mới biết xót thương những người lỡ lầm. Dù được Chúa cho biết trước ngày giờ sẽ xảy ra, nhưng Phêrô vẫn đã chối Chúa ba lần. Thật đau lòng khi Phêrô chối Thầy trước mặt Thầy. Chúa Giêsu đã không lớn tiếng trách móc mà chỉ đưa mắt xót thương nhìn Phêrô. Chúa ngã xuống đất cho những người môn đệ chối Thầy như ông. Phêrô trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Phêrô khi mắc cở không dám cầu nguyện, làm dấu khi ăn; không dám nhận mình là người Kitô hữu ở nơi công cộng.

Tôi là Phêrô khi hứa hẹn với Chúa nhiều điều nhưng luôn thất hứa.

Tôi là Phêrô khi cầu nguyện, tuyên xưng đức tin ngoài môi miệng.

Tôi là Phêrô khi xưng tội xong, lại tiếp tục phạm tội như trước.

Tôi là Phêrô khi không dám nhận trách nhiệm, lỗi lầm của mình.

Tôi là Phêrô khi trốn tránh trách nhiệm bỏ mặc cha mẹ, vợ chồng, con cái.

 

Nơi thứ 4: Ðức Mẹ gặp Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá.

GA 19:25-27 Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Ðây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Suy niệm: Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau của người mẹ cũng không thể sánh với nỗi đau khi thấy con mình bị đánh đập, hành hạ và chết thảm thương. Lời tiên tri về Mẹ Maria của Simêon rằng: một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà giờ đây đang xé nát lòng Mẹ. Giữa những tiếng la hét, kết án Chúa Giêsu của đám đông, Mẹ có đó và Mẹ vẫn thinh lặng. Giữa những tiếng roi đòn, đánh đập trên thân xác Con Mẹ, Mẹ có đó và Mẹ vẫn thinh lặng. Giữa những lời sỉ báng, nhạo cười của quân lính, Mẹ có đó và Mẹ vẫn thinh lặng. Dưới cây thập tự nơi Con Mẹ đang chịu chết treo, Mẹ có đó và Mẹ vẫn thinh lặng. Mẹ thinh lặng trong đau đớn để thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện. Mẹ Maria trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi giống Mẹ Maria khi trung thành theo Chúa đến cùng cho dù gian nan khốn khó.

Tôi giống Mẹ Maria khi biết tìm đến với những người đang cô đơn, đau khổ, bệnh tật.

Tôi giống Mẹ Maria khi sẵn sàng đón nhận thập giá và nghịch cảnh trong cuộc sống.

Tôi giống Mẹ Maria khi không trốn tránh, không từ chối trách nhiệm và bổn phận.

Tôi giống Mẹ Maria khi luôn âm thầm, khiêm nhường và vâng phục thánh ý Chúa.

 

Nơi thứ 5: Ông Simon vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu.

MC15:21-22 Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.

Suy niệm: Lê bước trên con đường thương khó, Chúa Giêsu đã trải qua sự thật phũ phàng đau lòng của nỗi cô đơn, bị phản bội, bị bỏ trốn. Các môn đệ, những người được Chúa cho ăn bánh no nê, được chữa lành bệnh, trừ quỳ, cho sống lại từ cõi chết… không một ai theo vác đỡ thánh giá Chúa. Simon là một người xa lạ từ miền quê đi lên bị bắt vác đỡ thánh giá cho Chúa. Có lẽ ông không ngờ trước nhưng đã không từ chối, vì thế hồng ân Chúa dành cho ông thật lớn lao. Simon trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Simon khi biết an ủi, nâng đỡ những người đang đau khổ, bệnh tật.

Tôi là Simon khi biết bắng bó, xoa dịu những thương tích, đớn đau của người khác.

Tôi là Simon khi biết chia sẻ, cùng gánh chịu những thập giá của gia đình.

Tôi là Simon khi không tạo ra những gánh nặng, đau khổ cho người khác.

Tôi là Simon khi không trốn tránh, bỏ mặc người thân thuộc đang đau khổ.

Tôi là Simon khi sẵng lòng cộng tác vào công việc của gia đình hay giáo xứ.

 

Nơi thứ 6: Bà Veronica trao khăn cho Ðức Chúa Giêsu lau mặt.

Suy niệm: Bà Veronica không được nói đến trong Kinh Thánh, nhưng theo truyền thuyết khá phổ thông đồng hóa bà Veronica với người đàn bà loạn huyết được Chúa chữa cho khỏi nhờ đụng chạm đến gấu áo Chúa. Bà đã can đảm không sợ những quan chức, quân lính để tiến lại gần trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt. Khuôn mặt bầm dập đầy thương tích của Chúa đã in vào tấm khăn và vào lòng bà. Veronica trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Veronica khi biết tìm đến, biết nâng đỡ những khuôn mặt nhỏ bé, đau khổ và thương tích.

Tôi là Veronica khi biết an ủi, xoa dịu những khuôn mặt đang tù đày, đói khát bên hè phố.

Tôi là Veronica khi nhìn ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi người khác, đặc biệt những người khốn khó.

Tôi là Veronica khi có lòng xót thương, biết rung cảm trước nỗi đau của người khác.

Tôi là Veronica khi trái tim và tâm hồn luôn in hình ảnh của Chúa Giêsu.

 

Nơi thứ 7: Ðức Chúa Giêsu Ngã xuống đất lần thứ hai.

MC15:2-5 Ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Người trả lời: “Đúng như ngài nói đó.” Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! ” Nhưng Đức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên.

Suy niệm: Kinh sư và Thượng tế là những người khoác áo chùng thâm, lề luật tuôn thủ không bỏ một chữ, kinh sách đầy mình và miệng hét ra lửa. Họ là những người lãnh đạo, được trọng nể và chọn ngồi chỗ tốt nhất. Khi thấy Chúa Giêsu chạm hàng, đụng tới nồi cơm, địa vị của họ thì họ âm mưu, xúi giục dân chúng loại trừ và giết chết. Chúa Giêsu đau đớn ngã xuống đất vì những người đạo đức giả hình như họ. Các Thượng tế trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là thượng tế khi rỉ tai, loan truyền, đồn thổi bêu xấu người khác.

Tôi là thượng tế khi kết bè lập nhóm gây chia rẽ, chỉ trích người khác.

Tôi là thượng tế khi lập mưu, chống đối, tố cáo các mục tử, tu sĩ, bề trên.

Tôi là thượng tế khi chỉ muốn chức vụ cao nhất, ngồi chỗ nhất, phục vụ để mình được chú ý.

Tôi là thượng tế khi cho ý của mình hay nhất, không có mình thì việc không thành, đánh bóng tên tuổi, công trạng của mình.

Tôi là thượng tế khi thấy người khác hơn mình, thành công hơn mình thì ghen tức, dèm pha.

Tôi là thượng tế khi chỉ biết ăn trên ngồi chốc, chỉ tay năm ngón, ra lệnh cho người khác làm.

 

Nơi thứ 8: Ðức Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giêsusalem.

LC 23:27-28 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em”.

Suy niệm: Maria Mađalêna là người được Chúa trừ bảy quỷ và sau đó đã đi theo Chúa. Maria Mađalêna yêu mến Chúa nhiều nên từ sáng sớm tinh sương chị đã thức dậy ra viếng mộ Chúa. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với Maria Mađalêna và sai Maria Mađalêna về loan báo tin mừng phục sinh của Chúa cho các môn đệ. Maria Mađalêna trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Maria Mađalêna khi phạm tội biết can đảm và dứt khoát trở về với Chúa.

Tôi là Maria Mađalêna khi không mắc cở và mặc cảm trở về với Chúa.

Tôi là Maria Mađalêna khi không nhìn và xét đoán quá khứ tội lỗi của người khác.

Tôi là Maria Mađalêna khi quyết tâm theo Chúa đến cùng, cho dù mọi người bỏ cuộc.

Tôi là Maria Mađalêna khi mạnh dạn cộng tác vào việc rao giảng tin mừng.

 

Nơi thứ 9: Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

LC23:42-43 Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

Suy niệm: Vị thánh vào thiên đàng đầu tiên có quá khứ là người trộm cướp. Anh đã sa ngã, phạm tội trước khi gặp Chúa trên thánh giá. Anh là người vào làm vườn nho lúc vừa đóng cửa và anh cũng lãnh một đồng như bao nhiêu người khác. Ơn cứu độ không bao giờ quá trễ, chỉ sợ con người mở lòng đón nhận trễ quá mà thôi. Người trộm lành trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là người trộm lành khi thành tâm đấm ngực nhận mình là kẻ tội lỗi, yếu đuối.

Tôi là người trộm lành khi biết kêu cầu lòng thương xót của Chúa.

Tôi là người trộm lành đi xưng tội với lòng thống hối, ăn năn.

Tôi là người trộm lành khi biết kêu cầu danh Chúa lúc cuối cuộc đời.

 

Nơi thứ 10: Quân dữ lột áo Ðức Chúa Giêsu.

MC15:17-20 Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước.

Suy niệm: Chúa Giêsu đã gánh chịu tất cả những sự dữ của quân lính trút đổ lên đầu Người. Những cú đấm, cú đá và roi sắt của sự thù hận, oán ghét in hằn lên thân xác Chúa. Mão gai, đinh sắt, thánh giá, lưỡi đòng là những hung khí hành hạ Chúa nhưng vẫn không thể cướp đi tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Người trút bỏ mọi vinh quang Thiên Chúa gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Quân dữ trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là quân dữ khi chế diễu, đùa cợt, mỉm cười trên sự đau khổ, thất bại của người khác.

Tôi là quân dữ khi bóc lột kẻ làm công, người yếu kém, nghèo khổ hơn mình.

Tôi là quân dữ khi đánh đập, hành hạ, xỉ vả, lăng nhục người khác.

Tôi là quân dữ khi đóng đinh hận thù, nguyền rủa, chúc dữ lên người khác.

Tôi là quân dữ khi làm chứng gian, vu khống, nhạo báng người khác.

 

Nơi thứ 11: Quân dữ đóng đanh Ðức Chúa Giêsu.

LC23:39-41 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! ” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! ”

Suy niệm: Trong đôi mắt của người trộm dữ, Chúa Giêsu là một tội nhân như anh. Mắt anh không còn phân biệt được ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, vì thế Chúa Giêsu ở ngay bên mà anh cũng chẳng nhận ra. Mặc dù bị thách thức, xúc phạm đến quyền năng thiên tính của một Thiên Chúa tối cao, Chúa vẫn không trừng phạt anh, vì Chúa cũng sẽ chết cho chính tội lỗi của anh. Người trộm dữ trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là người trộm dữ khi thách thức, nghi ngờ quyền năng, sự hiện hữu của Chúa.

Tôi là người trộm dữ khi trách hỏi tại sao Chúa nhân lành lại để sử dữ xảy ra cho tôi.

Tôi là người trộm dữ khi chỉ xét đoán bề ngoài, chỉ nhìn thấy cái xấu nơi người khác.

Tôi là người trộm dữ khi chẳng nhìn ra Chúa Giêsu nơi tôi và nơi người khác.

Tôi là người trộm dữ khi hối lộ, bắt chẹt, trộm cắp của cải người khác.

 

Nơi thứ 12: Ðức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá.

Ga19:25-27 Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Suy niệm: Giây phút Chúa trút hơi thở chết trên Thánh Giá thật đau đớn và tan thương. Các môn đệ theo Chúa đều bỏ trốn, ngoại trừ người môn đệ Chúa mến thương hiện diện nhưng ông cũng theo Chúa xa xa, đúng như lời Chúa nói: “Tinh thần thì mau mắn, nhưng xác thịt thì yếu đuối”. Những lời thề non hẹn biến, thề sống chết với Thầy chỉ là lời thề chót lưỡi đầu môi. Các môn đệ trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Yêu mến, hăng say, liều lĩnh, nghĩ sao nói vậy, tin Chúa đấy nhưng đã có lần chối Chúa, tôi là Phêrô.

Luôn kề cận bên Chúa, yêu mến Chúa sâu đậm, theo Chúa xa xa nhưng không bỏ Chúa, tôi là Gioan.

Tỉ mỉ, cẩn thận, từng bước một, việc gì cũng phải thực tế, tôi là Philiphê.

Cuồng nhiệt, nóng nảy, thẳng thắn và đầy tham vọng, tôi là Giacôbê.

Bị khinh chê, lạnh nhạt, lý lịch không mấy tốt đẹp, nhưng nhất quyết theo Chúa, tôi là Mátthêu.

Theo Chúa, sẵn sàng chết cho Chúa, nhưng hay nghi ngờ, khó tin, tôi là Tôma.

Giỏi tính toán, kỹ lưỡng về tiền bạc, đã có lúc đi đêm, bắt cá hai tay, tôi là Giuđa.

 

Nơi thứ 13: Tháo đanh Ðức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Ðức Mẹ.

GA19:33-34 & 38 Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Sau đó, ông Giôxép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống. Ông Giôxép này là một môn đệ theo Ðức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận.

Suy niệm: Giôxép là người theo Chúa cách kín đáo. Mặc dù chưa dứt khoát và can đảm, nhưng ông vẫn trung thành theo Chúa. Ông đã đến cùng với Nicôđêmô thao đanh và táng xác Chúa khi các môn đệ Chúa bỏ trốn và chẳng một ai lo chôn cất Chúa. Ai cũng sợ liên lụy trong cái chết của Chúa. Giôxép trong chặng đường thương khó của Chúa là thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Giôxép khi biết cởi trói cho người khác qua sự làm hòa, tha thứ cho họ.

Tôi là Giôxép khi tháo đinh cho người khác qua việc không hiếp đáp, đày đọa, xiết nợ người khác.

Tôi là Giôxép khi âm thầm làm việc lành phúc đức chẳng cần ai biết tới.

Tôi là Giôxép khi đến thăm viếng, cầu nguyện cho người đã qua đời.

Tôi là Giôxép khi kính nhớ, xin lễ, cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

 

Nơi thứ 14: Táng xác Chúa Giêsu trong hang đá và Chúa Phục Sinh.

GA 20:19-20,24-25 Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì sợ người Do-thái. Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa… Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

Suy niệm: Tôma đã can đảm muốn được cùng chết với Thầy nhưng vẫn hoài nghi về Chúa đã phục sinh. Chúa chiều sự đòi hỏi của Tôma là được thọc ngón tay vào cạnh sườn của Chúa mới chịu tin. Cám ơn Tôma đã làm một cuộc thử nghiệm đức tin cho ta có niềm tin hôm nay. Tôma ngày xưa kém tin như thế đó, còn tôi hôm nay thì sao?

Tôi là Tôma khi nghi ngờ sự hiện hữu và quyền năng của Chúa.

Tôi là Tôma khi rước Mình và Máu thánh Chúa một cách máy móc kém tin.

Tôi là Tôma khi đối diện với đau khổ và bệnh tật thì nghi ngờ lòng nhân từ của Chúa.

Tôi là Tôma khi tìm kiếm, chạy theo những điềm thiêng dấu lạ bên ngoài.

Tôi là Tôma khi tin vào phong thủy, vận mạng, tử vi, bói toán.

Lời nguyện kết thúc:

Lạy Chúa Giêsu, khi đi lại chặng đàng Thánh Giá của Chúa, mỗi người chúng con nhận ra mình là ai trong chặng đàng Thánh Giá của Chúa. Đường Thánh Giá của Chúa đã hoàn tất với sự phục sinh chiến thắng khải hoàn, nhưng Đường Thánh Giá của con đã và đang vẫn còn tiếp diễn. Con vẫn còn tiếp tục vác thập giá theo Chúa, vẫn còn phải chiến đấu với bản thân và với bản ngã yếu đuối của mình. Xin Chúa thêm sức mạnh cho con và nâng con dậy mỗi khi con ngã xuống đất. Xin Mẹ Maria đồng hành với con, và hiện diện ở chặng cuối cùng của cuộc đời con như xưa Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa. Amen.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.