Vừa qua, Đức cha Giu-se Đinh Đức Đạo, GM giáo phận Xuân Lộc trong Lời Chủ Chăn tháng 4-2019, ngài đã gửi cho các linh mục, tu sĩ một lá thư chia sẻ với đề tài là:
“Khủng hoảng lạm dụng tình dục và Lòng Thương Xót”.
Trong phần mở đầu, Đức cha đã viết như sau: “Hiện tượng lạm dụng tình dục trong thế giới đang xoáy vòng như một cơn lốc mà đường kính cứ từ từ nới rộng, gây ra nhiều đổ vỡ tan hoang. Đối với Giáo Hội Công Giáo, tai tiếng lạm dụng tình dục đã gây ra một cơn khủng hoảng trầm trọng, ảnh hưởng tai hại đến đời sống Đức Tin, đến tinh thần, tâm tình và thái độ sống của nhiều tín hữu, làm suy giảm sự tín nhiệm của đoàn chiên đối với các mục tử, làm lu mờ ánh sáng của Tin Mừng và làm giảm sút nhiệt huyết của Giáo Hội làm chứng cho Tin Mừng.
Ngài cũng viết tiếp: “Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, Tòa Thánh đã nhiều lần lên tiếng và đưa ra những hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt phải kể đến lá thư mục vụ ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo hội tại Ái Nhĩ Lan ngày 19 tháng 3 năm 2010, lá thư ĐTC Phanxicô gửi Hội Thánh trên toàn thế giới ngày 20 tháng 8 năm 2018 và Hội nghị của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục với Đức Thánh Cha Phanxicô từ 21 – 24 tháng 02 năm 2019”. [1]
Vậy lạm dụng tình dục (LDTD), nhất là lạm dụng TD đối với trẻ em, là một hiện tượng đã có thật từ lâu trong Hội thánh và không chỉ xảy ra tại một vài nước nhưng là lan tràn trong nhiều quốc gia. Riêng tại VN chúng ta, dường như chưa có một thống kê rõ ràng, cụ thể, chính thức nào, nhưng thiết nghĩ đây đó chắc chắn đã và đang xảy ra hiện tượng lạm dụng tình dục dưới nhiều hình thức.
* Từ góc khuất ra ánh sáng
Rảo qua các tin tức Công giáo trong thời gian mấy tháng qua, người ta đã không khó để tiếp nhận những thông tin liên quan tới hiện tượng này. Xin đơn cử mấy vụ việc điển hình sau:
– “ Cựu Hồng y McCarrick (Mỹ) bị Tòa Thánh buộc hồi tục. Bộ giáo lý đức tin đã xét xử vụ cựu Hồng y Theodore McCarrick nguyên TGM giáo phận thủ đô Washington và đã buộc vị này hồi tục. Án lệnh này đã được ĐTC Phan-xi-cô nhìn nhận là không thể kháng án.
“ Trong thông cáo công bố hôm 16-2-2019, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết: Ngày 11-1-2019, Công nghị của Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành sắc lệnh chung tiến trình xét xử Theodore Edgar McCarrick, cựu TGM giáo phận Washington D.C, và tuyên bố đương sự đã phạm những tội trong tư cách là giáo sĩ: Dụ dỗ trong tòa giải tội và vi phạm điều răn thứ sáu với các trẻ vị thành viên và người lớn, những tội này càng nặng hơn vì lạm dụng quyền bính, vì thế đương sự bị hình phạt trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.
“ Ngày 13-2-2019, phiên họp thường lệ (Ngày thứ tư) của Bộ Giáo lý Đức tin đã cứu xét những lý lẽ được trình bày trong việc kháng án và đã quyết định tái khẳng định án lệnh của Bộ. Quyết định này đã được thông tri cho Theodore McCarrick ngày 15 tháng 2 năm 2019. ĐTC Phan-xi-cô đã nhìn nhận tính chất chung kết của quyết định này, chiếu theo luật, và làm cho vụ này được coi là đã chung thẩm và không thể kháng án”. [2]
– Một trường hợp khác, đó là tin tức về đức Hồng y George Pell (Úc), như sau:
“ Hôm thứ Tư 13-3-2019, toà án Tối cao tại Melbourne, qua chánh án Peter Kidd đã tuyên án: Hồng y George Pell bị 6 năm tù vì tội ‘lạm dụng tình dục’ hai thiếu niên trong dàn hợp xướng ở nhà thờ St Patrick, khi ngài là TGM giáo phận Melbourne vào những năm 1990. Ngài sẽ bị giam trong tù ít nhất 3 năm và 8 tháng, trước khi được hưởng các quyền ân giảm khác, như tù tại gia, hoặc tha bổng phần án còn lại.
“ Chánh án Peter Kidd trong phần tuyên án vào sáng 13-3-2019, đã nói rằng: ‘Ông Pell là người cao ngạo trong hành vi phạm tội của mình!’, và hình phạt tối đa cho những việc ấy là 6 năm tù giam. Hồng y George Pell mặc áo cộc tay màu xám, và không gắn cổ côn màu đen như thường lệ. Ngài giữ hai tay ra phía sau lưng, và không có phản ứng gì rõ ràng khi bản án được đưa ra. Có những tiếng kêu thảng thốt, và những giọt nước mắt tuôn rơi, của những người tham dự phiên toà, khi chứng kiến Hồng y George Pell bị dẫn đi khỏi phòng tuyên án”. [3]
– Tại Hội nghị Bảo vệ trẻ vị thành niên được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24-2-2019, tại Roma với sự tham dự của 190 vị trong đó có 114 vị Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục là chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, ĐTC Phan-xi-cô với tư cách là vị chủ tọa, đã nhắc đến nạn lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội như là một sự kiện kinh khủng. Ngài khẳng định rang:
“Sự kiện tai ương lạm dụng lan tràn các nơi trên thế giới chứng tỏ tính chất trầm trọng của chúng trong các xã hội chúng ta, nhưng không giảm bớt sự kinh khủng của chúng giữa lòng Giáo Hội.
“Sự vô nhân đạo của hiện tượng này trên bình diện thế giới càng trở nên trầm trọng và gây gương mù gương xấu nhiều hơn trong Giáo Hội, vì nó đi ngược với uy tín luân lý và sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội về mặt luân lý đạo đức. Người thánh hiến, được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn các linh hồn đến ơn cứu độ, lại để cho mình bị đè bẹp vì tính yếu đuối xác thịt và vì bệnh tật của mình, trở thành dụng cụ của ma quỉ.
“Trong những vụ lạm dụng, chúng ta thấy có bàn tay của sự ác, không buông tha cả sự ngây thơ trong trắng của các trẻ em. Không có những giải thích đủ về những lạm dụng ấy đối với các trẻ em. Chúng ta phải cùng nhau can đảm nhìn nhận rằng chúng ta đứng trước mầu nhiệm sự ác, nó quyết liệt chống lại những người yếu thế nhất vì họ là hình ảnh của Chúa Giêsu. Chính vì thế trong Giáo Hội hiện có sự gia tăng ý thức về nghĩa vụ không những phải ngăn chặn những lạm dụng rất trầm trọng bằng những biện pháp kỷ luật, và những vụ xét xử theo luật dân sự và giáo luật, nhưng còn phải quyết liệt đương đầu với hiện tượng ấy trong và ngoài Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được kêu gọi bài trừ sự ác này, nó có liên hệ tới trọng tâm sứ mạng của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng cho những người bé nhỏ và bảo vệ họ chống lại những con chó sói háu ăn”. [4]
* Những hình thức lạm dụng tình dục
Hành vi lạm dụng tình dục là quá trình trong đó một người lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép người khác tham gia vào hoạt động tình dục. Hành vi lạm dụng tình dục có thể thay đổi từ việc sờ mó bộ phận sinh dục, thủ dâm, tiếp xúc miệng-bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay và cao hơn là giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Lạm dụng tình dục không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm người khác. (Theo Wikipedia)
Riêng về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em, hay còn gọi là ấu dâm, là quá trình trong đó một người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục. Lạm dụng tình dục trẻ em có thể xảy ra ở bất kì nền văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, thể chế chính trị nào.
Hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ không chỉ gây tổn thương cơ thể và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng rất lâu dài về sau này. Những hậu quả lâu dài của lạm dụng tình dục ở trẻ em biểu hiện từ nhẹ cho đến những rối loạn rất nặng nề không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập gia đình và xã hội cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ.
Hiện nay không có một nghiên cứu thống kê nào cho biết chính xác con số lạm dụng tình dục ở trẻ em do không có một định nghĩa rõ ràng thống nhất về lạm dụng tình dục trẻ em cũng như nhiều nạn nhân không thể khai báo bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì đây là một hiện tượng không hiếm gặp và cũng là một vấn đề pháp lý-tâm lý-xã hội nghiêm trọng tại Mỹ. Một nghiên cứu cho thấy rằng 20% phụ nữ và 10% nam giới đã bị lạm dục tình dục ở những mức độ khác nhau khi trước tuổi trưởng thành. Ở Việt Nam, trong ba năm gần đây (2017), trung bình mỗi năm có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. (Theo Wikipedia).
* Các nước phạt tội phạm ấu dâm, dâm ô nghiêm khắc ra sao?
Các nước có hình phạt rất nặng đối với tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em, dâm ô, ấu dâm: từ phạt hành chính với số tiền lớn, thiến hóa học, án tù hàng chục năm đến tử hình (nếu tái phạm). Những trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục có thể lớn lên và phát triển thông qua các mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và bạn bè.
Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), lạm dụng tình dục trẻ em là hành vi tình dục liên quan đến trẻ trong khi trẻ (trai hoặc gái) không có nhận thức đầy đủ, không có sự đồng thuận hoặc vi phạm luật hay các điều cấm kỵ trong xã hội. Lạm dụng tình dục trẻ em là hành vi để thỏa mãn nhu cầu tình dục của một người khác.
Hình phạt rất nặng đối với tội lạm dụng tình dục trẻ em tại một số quốc gia:
Ở Mỹ, lạm dụng tình dục trẻ em là bất hợp pháp ở tất cả các bang cũng như trong luật liên bang. Tùy theo từng bang mà có những quy định cụ thể về khung hình phạt hình sự từ bỏ tù, nộp phạt, ghi nhận là một kẻ tấn công tình dục, giới hạn đi lại…Các án phạt dân sự có thể bao gồm bồi thường thiệt hại hoặc tước quyền nuôi con. Tại một số bang như Colorado đang đề xuất án tử cho những tội phạm tái phạm tội.
Tại Pháp, theo tạp chí The Atlantic, một người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 15 tuổi có thể đối mặt với bản án 20 năm tù.
Tại Đan Mạch, người có hành vi tình dục với trẻ dưới 15 tuổi có thể bị bỏ tù đến 8 năm. Một số tình tiết tăng nặng cũng được xét đến như kẻ phạm tội đã lợi dụng các vấn đề về tinh thần và thể chất của nạn nhân. Nếu có yếu tố đe dọa, mức hình phạt sẽ là 12 năm tù.
Tại Hà Lan, theo điều 244, một người quan hệ tình dục với trẻ dưới 12 tuổi sẽ nhận mức phạt 12 năm tù hoặc nộp phạt với mức phạt cao nhất là 83.000 euro (93.000 USD). [5]
Trong khi các nước mạnh mẽ lên án tệ nạn lạm dụng tình dục và hành vi ấu dâm, thì tại VN, mới đây xảy ra hai vụ “hot” khiến dư luận bất bình và sôi sục phẫn nộ. Đó là trường hợp một người đàn ông tên H bị tố có hành vi sàm sỡ, cưỡng ép và ôm hôn nữ sinh trong thang máy ở chung cư tại Hànội, đã bị cơ quan công an xử phạt hành chính với mức phạt là 200 ngàn đồng. Vụ thứ nhất chưa nguôi thì lại xảy ra vụ thứ hai liên quan một viên chức cán bộ nhà nước đã về hưu tên L, ngoài 60 tuổi, từng là Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ với bé gái trong thang máy tại một chung cư thuộc quận 4 TPHCM, đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua và hiện vẫn chưa nhận một hình phạt chế tài nào từ phía nhà nước VN.
Ki-tô hữu chúng ta tự hỏi, ngoài xã hội thì như vậy, còn bên trong Hội thánh thì những vụ việc đại loại thế này liệu có “chìm” hay bị “ém” không?
* Nỗi đau chung chứ không của riêng ai
Trong bài viết có tựa đề “Một vài suy nghĩ khi đọc thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Dân Chúa về những tội phạm tình dục trong hàng giáo sĩ”, Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm, GM Gp Mỹ Tho đã viết như sau:
“Thư của Đức Thánh Cha mở đầu bằng lời của Thánh Phaolô: ‘Nếu một chi thể bị đau, mọi chi thể cùng đau’ (1Cr 12,26), và lời này cũng được chọn làm tiêu đề cho hai phần chính của lá thư. Chọn lựa đó làm nổi bật tình liên đới giữa các chi thể trong cùng một Thân thể Đức Kitô là Hội Thánh.
“Đó là sự liên đới trong tình thương cảm với các nạn nhân, với nỗi đau thể lý và tinh thần mà họ phải chịu đựng trong nhiều năm qua.
“Đó là sự liên đới trong việc thực thi công lý, chứ không thể chỉ tìm cách che giấu hoặc dàn xếp bên trong cho ổn thỏa, còn kẻ thủ ác cứ tiếp tục lối sống cũ.
“Đó còn là sự liên đới trong việc ngăn ngừa những tội phạm tình dục, ngăn ngừa bằng giáo dục, bằng những quy định và bằng cả luật pháp.
“Đó cũng là sự liên đới trong việc đền bồi phạt tạ vì scandal này quá lớn trong lòng Hội Thánh: ‘Đức Kitô bị phản bội do chính các môn đệ Ngài, do việc họ rước Mình Máu Chúa cách bất xứng, chắc chắn đây là nỗi đau khổ lớn nhất mà Đấng Cứu độ phải chịu; nó đâm thấu trái tim Ngài. Từ đáy lòng, chúng ta chỉ có thể kêu lên: Kyrie eleison, Lạy Chúa, xin thương xót chúng con’./. [6]
Aug. Trần Cao Khải
– – – – – – – – – – – – – –
THAM KHẢO & TRÍCH DẪN:
[1] Nguồn: giaophanxuanloc.net
[2] G. Trần Đức Anh OP, Nguồn: Vatican News 16-2-2019
[3] Nhà báo CG Nguyễn Vy Túy, Úc – Nguồn: FB Tuy Nguyen 13-3-2019
[4] G. Trần Đức Anh OP, Nguồn: VaticanNews 25.02.2019
[5] Nguồn: Tuổi Trẻ Online 03-04-2019
[6] Nguồn: giaophanxuanloc.net
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.