Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật XIII thường niên năm C


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 9,51-62
1. Luca 9,51 cho thấy Đức Giêsu bắt đầu đi đâu và đến đâu ? Luca 9,31 và 9,51 gọi biến cố này là gì? Lc 9,51 có giống với Ga 3,14; 8,28; 12,32-34 không?
2. Giêrusalem có đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng Luca không? Đọc Lc 1,9; 4,9; 24,52-53. Đọc thêm về Giêrusalem trong cuộc hành trình của Đức Giêsu : Lc 9,53; 13,22; 17,11; 18,31; 19,11. Đọc thêm về Giêrusalem trong những ngày cuối của Ngài : Lc 19,28.41; 21,5.20.24; 24,13.18.33.47.
3. Đọc Luca 9,51 – 19,27, và kể ra những đoạn văn chỉ có trong Tin Mừng Luca, chứ không có trong bất cứ Tin Mừng nào khác?
4. Đọc Lc 9,57; 10,25; 11,15.27.45; 12,13.41; 13,1.23; 14,15; 15,2; 16,14; 17,20.37; 18,18.26. Bạn có nhận xét gì không?
5. Thái độ của hai môn đệ Giacôbê và Gioan có gì giống với ngôn sứ Êlia xưa không? Đọc 2 Vua 1,1-18 và Mc 3,17. Đâu là thái độ cần có khi bị từ chối? Đọc Lc 9,5.55-56; 10,10-11.
6. Đọc Lc 9,57-58. Bạn nghĩ gì về cuộc gặp gỡ và đối thoại này giữa anh ấy và Đức Giêsu?
7. Đọc Lc 9, 59-60. Cuộc gặp gỡ này khác với cuộc gặp gỡ trên ở điểm nào? Chôn cất cha có phải là điều quan trọng và cần thiết không? Đọc Sáng thế 46,4; 50,1-5.
8. Đọc Lc 9,60. Câu để kẻ chết chôn kẻ chết nghĩa là gì? Đọc Êphêsô 2,1.5.
9. Đọc Lc 9,61-62. Cuộc gặp gỡ thứ ba này khác và giống với cuộc gặp gỡ thứ hai ở điểm nào? Đức
Giêsu có đòi hỏi hơn ngôn sứ Êlia không? Đọc 1 Vua 19,19-21.
CÂU HỎI SUY NIỆM: Sau khi học hỏi về ba cuộc gặp gỡ này, bạn nghĩ gì về ơn gọi kitô hữu của mình?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Luca 9,51 cho thấy Đức Giêsu bắt đầu đi từ Galilê lên Giêrusalem. Giêrusalem sẽ là nơi Đức Giêsu chịu khổ nạn, chịu chết, được phục sinh và được rước lên trời. Trong khi Lc 9,51 gồm tóm các biến cố trên trong một từ: “sự được rước lên” (analêmsis), thì Lc 9,31 lại gọi các biến cố trên là “cuộc xuất hành” (exodus). Khi đọc Ga 3,14; 8,28; 12,32-34, ta thấy Tin Mừng Gioan cũng coi việc Đức Giêsu chịu chết, được phục sinh và được tôn vinh như việc Ngài “được giương cao.”
2. Giêrusalem đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng Luca. Tin Mừng này bắt đầu bằng cảnh ông Dacaria dâng hương trong Đền thờ Giêrusalem (Lc 1,9) và kết thúc bằng cảnh các môn đệ Đức Giê su ở lại trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,52-53). Một nét đặc sắc khác của Tin Mừng Luca đó là phần khá dài nói về cuộc hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem (Lc 9,51 – 19,27). Trong phần này, Giêrusalem được nhắc đến nhiều lần (Lc 9,53; 13,22; 17,11; 18,31; 19,11). Vào những ngày cuối đời của Đức Giêsu cho đến tận phục sinh, Giêrusalem vẫn là nơi diễn ra các biến cố quan trọng (Lc 19,28.41; 21,5.20.24; 24,13.18.33). Chính từ Giêrusalem mà công cuộc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân bắt đầu (Lc 24,47).
3. Trong phần nói về Cuộc Hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem (Lc 9,51-19,27), thánh Luca đã đưa vào những chất liệu đặc sắc của riêng mình, không thấy có nơi các sách Tin Mừng khác. Sau đây là vài thí dụ: Lc 10,29-42; 13,1-17; 15; 16,19-31; 18,1-14; 19,1-10.
4. Các câu Tin Mừng sau đều nằm trong cuộc hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem: Lc 9,57; 10,25; 11,15-16.27.45; 12,13.41; 13,1.23; 14,15; 15,2; 16,14; 17,20.37; 18,18.26. Chúng có nét giống nhau, đó là: có ai đó trong đám đông bất ngờ phát biểu một điều gì đó hay hỏi Đức Giêsu một câu hỏi nào đó. Đức Giêsu, nhân cơ hội ấy, đã lên tiếng giảng dạy cho người ta những chủ đề Ngài muốn.
5. Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã sai một vài môn đệ làm sứ giả để chuẩn bị cho Ngài vào một làng của người Samaria, nhưng làng này đã từ chối tiếp đón nhóm của Ngài. Hai anh em Giacôbê và Gioan vốn nóng tính (x. Mc 3,17) nên nổi giận, đòi khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi ngôi làng. Thái độ của họ giống với ngôn sứ Êlia (x. 2 V 1,1-18) nhưng lại khác với thái độ mà Thầy Giêsu đã dạy ở Lc 9,5. Sau đó Thầy Giêsu đã làm điều mình dạy (Lc 9,55-56).
6. Trên đường lên Giêrusalem, có người xin đi theo Đức Giêsu bất cứ nơi nào Ngài đi (Lc 9,57). Đức Giêsu không chấp nhận hay từ chối một cách rõ ràng. Ngài chỉ kể cho anh ấy biết cuộc sống bấp bênh và nghèo khó của Ngài, để anh cân nhắc cái giá phải trả nếu muốn theo Ngài (Lc 9,58).
7. Cuộc gặp gỡ thứ hai này có điểm khác với cuộc gặp gỡ thứ nhất. Chính Đức Giêsu mời một anh đi theo Ngài làm môn đệ, nhưng anh xin phép hoãn lại, viện cớ cần phải về chôn cất cha trước đã. Trong Do-thái giáo, chôn cất cha mẹ là nghĩa vụ lớn của người con, nằm trong điều răn thảo kính cha mẹ (x. St 46,4; 50,1-5). Đó là điều chính Thiên Chúa đòi buộc con cái phải làm cho cha mẹ. Đức Giêsu không phủ nhận điều buộc đó, nhưng Ngài không đồng ý hoãn lại. Ngài cho thấy có một nghĩa vụ lớn hơn và khẩn trương hơn chuyện chôn cất cha, đó là đi loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 9,60).
8. “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Có hai từ “kẻ chết” với hai ý nghĩa khác nhau. Từ “kẻ chết” trước để chỉ những người từ chối lời mời làm môn đệ của Đức Giêsu. Họ bị coi như những người đã chết về mặt tinh thần vì đã sa ngã (x. Ep 2,1.5). Từ “kẻ chết” sau để chỉ những người đã chết về mặt thân xác. Vậy qua câu này, Đức Giêsu muốn nói với anh ấy hãy để cho người khác lo chuyện chôn cất cha.
9. Cuộc gặp gỡ thứ ba này giống cuộc gặp gỡ thứ nhất vì anh này cũng tự ý muốn theo Thầy Giêsu. Nó giống cuộc gặp gỡ thứ hai vì anh này cũng không muốn theo ngay, nhưng xin về nhà từ giã gia đình trước đã. Êlia đã đồng ý để Êlisa về nhà từ giã gia đình (1 V 19,19-21), nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài cho rằng anh không thích hợp với Nước Thiên Chúa.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.