Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật XXIX thường niên năm C


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 18,1-8
1. Động từ nào xuất hiện nhiều nhất trong bài Tin Mừng này? Ý nghĩa của động từ đó là gì?
2. Đọc Lc 18,1. Đức Giêsu kể dụ ngôn này để dạy điều gì? Làm sao có thể cầu nguyện luôn luôn được?
3. Đọc Lc 18, 2.4. Bạn nghĩ gì về tính cách của ông quan tòa này? Ông có giống với nhân vật ở sách Khôn ngoan 2,10-11 không?
4. Đọc Lc 18,3-5. Bạn nghĩ gì về tính cách nổi bật của bà góa trong dụ ngôn này?
5. Tin Mừng Luca nói đến những bà góa nào?
6. Đọc Lc 18,4b-5. Ông quan tòa không sợ Chúa, nhưng sợ bà góa về điểm nào?
7. Đọc Lc 18,6-8a. Hãy nêu ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa Thiên Chúa và ông quan tòa bất chính? Đọc sách Đệ nhị luật 10,17-18; Huấn ca 35,14-19.
8. Đức Giêsu có ý gì khi nói câu này: “Nhưng khi Con Người đến, liệu Người có tìm thấy lòng tin ấy trên mặt đất chăng?”? Con Người đến khi nào? Đọc Lc 17,30. Tại sao lúc ấy lòng tin có thể không còn trên mặt đất?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Theo bạn, điều gì dễ khiến chúng ta nản chí khi cầu nguyện? Có khi nào bạn thấy mình sống ở trong hoàn cảnh giống bà góa không: kêu Chúa từ lâu mà không được nhận lời? Bạn học được gì nơi tính cách của bà này?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Động từ xuất hiện bốn lần trong đoạn Tin Mừng này (Lc 18,3.5.7.8) là động từ minh xét (exdikeô). Động từ này còn có thể được hiểu là: trả lại công bằng cho ai, bênh vực hay minh oan cho ai. Bà góa trong bài Tin Mừng này đi gặp quan tòa để kiện một người đã đối xử bất công với mình. Bà không muốn người đó bị trừng phạt, nhưng chỉ muốn quyền lợi của mình được tôn trọng và mọi việc được giải quyết ổn thỏa.
2. Đức Giêsu kể dụ ngôn này để cho ta thấy phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí (Lc 18,1). Như thế cầu nguyện là điều phải làm, và phải làm luôn luôn trong cuộc sống của mỗi người. Nếu ta hiểu cầu nguyện luôn luôn là ngồi suy niệm hay đọc kinh 24 tiếng mỗi ngày và suốt 7 ngày trong tuần, thì chắc chẳng ai làm được. Nhưng nếu hiểu cầu nguyện là thái độ luôn quy hướng đời mình về với Chúa và luôn muốn sống theo ý Chúa (kể cả khi làm việc, ngủ nghỉ, ăn uống, giải trí, kể cả khi chịu đau khổ, thất bại, thử thách, bách hại) thì cầu nguyện luôn luôn là điều có thể làm được, nhờ ơn Chúa.
3. Tính cách của ông quan tòa trong dụ ngôn được nói đến ở Lc 18,2. Ông là người có chức vị cao vì là quan tòa của một thành phố. Ông được mô tả bằng hai nét: không sợ Thiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì. Không sợ Thiên Chúa là thái độ của người không tuân giữ những lệnh truyền của Ngài. Vị quan tòa không sợ Thiên Chúa sẽ xét xử bất công, thiên vị người quyền thế và không bênh vực những người thấp cổ bé miệng. Chẳng coi ai ra gì là thái độ khinh thường người khác, nhất là những người yếu thế như các bà góa. Chính vị quan tòa này cũng tự nhận thấy mình là người như thế (Lc 18,4). Đúng ông này là một quan tòa bất chính như lời Chúa nói (Lc 18,6), và như sách Khôn ngoan đã mô tả (Kn 2,10-11).
4. Một bà góa trong nước Do-thái thời xưa là người đã mất đi sự nâng đỡ quan trọng về vật chất lẫn tinh thần từ phía người chồng. Vì thế bà góa thường là người nghèo và dễ bị bóc lột lợi dụng (x. Lc 20,47). Bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay có một nét nổi bật, đó là sự kiên trì, bạo dạn, thậm chí táo tợn. Đứng trước một vị quan tòa không sợ Trời, không nể người, bà nhiều lần đến nài nẵng ông đứng ra bênh vực cho bà chống lại người ức hiếp mình (Lc 18,3). Nhưng ông này phớt lờ trong một thời gian lâu. Và bà cứ tiếp tục quấy rầy mãi, cho đến khi ông này cuối cùng chịu không nổi đành phải giải quyết vụ án cho bà (Lc 18,4-5).
5. Tin Mừng Luca nhắc đến nhiều bà góa: bà góa Anna, nữ ngôn sứ (Lc 2,37); bà góa dân ngoại thành Xa-rép-ta (Lc 4,25-26); bà góa thành Nain (Lc 7,12); các bà góa bị bóc lột (Lc 20,47); bà góa nghèo bỏ tiền trong Đền thờ(Lc 21,2-3).
6. Đọc Lc 8,4b-5 ta thấy câu độc thoại của ông quan tòa. Qua câu này ta thấy lý do sâu xa khiến ông buộc lòng phải giải quyết chuyện kiện cáo của bà. Bà là người đã quấy rầy ông quan tòa trong một thời gian dài, và đã làm ông nhức đầu nhức óc. Ông quan tòa cứ ỳ ra, nhưng cuối cùng phải chịu thua, vì biết bà sẽ còn đến khiếu nại mãi chừng nào ông chưa giải quyết cho xong vụ việc. Bà góa là người thắng cuộc, và thắng một người tưởng như không gì lay chuyển nổi. Sự lỳ của bà sánh được với sự lỳ của người bạn đi mượn bánh lúc đêm khuya trong dụ ngôn ở Lc 11,7-8. Cả hai dụ ngôn này đều dẫn đến thái độ kiên trì khi cầu nguyện, vì Thiên Chúa không nhất thiết nhận lời ngay.
7. Trong Luca 18,6, “Chúa” ở đây là Đức Giêsu, chính Ngài kể dụ ngôn này và cũng chính Ngài muốn so sánh hình ảnh ông quan tòa bất chính với Thiên Chúa. Điểm giống nhau giữa Thiên Chúa và ông quan tòa này: cả hai đều là quan tòa, cả hai đều có nhiệm vụ xét xử, thi hành công lý. Nếu ông quan tòa trong dụ ngôn ở Lc 18,1-5 rốt cuộc đã giải quyết vụ kiện của bà góa, thì huống hồ là Thiên Chúa; sau thời gian trì hoãn, Ngài sẽ mau chóng bênh vực những kẻ đang ngày đêm kêu cầu Ngài. Tuy nhiên, điểm khác nhau nằm ở chỗ ông quan tòa bất chính minh xét cho bà góa chỉ vì muốn tránh bị quấy rầy. Còn vị Quan tòa công chính là Thiên Chúa thì minh xét vì tình thương đặc biệt với người nghèo, cô nhi, quả phụ (Đệ nhị luật 10,17-18; Huấn ca 35,14-19).
8. Con Người đến trong Lc 18,8b để chỉ Ngày Quang Lâm của Đức Giêsu, Ngày mà Con Người mặc khải (Lc 17,24.30; xem thêm Lc 17,22.26). Đức Giêsu đặt câu hỏi: khi Ngài trở lại trong vinh quang, sau một thời gian dài trì hoãn, lúc ấy liệu các kitô hữu có còn giữ được đức tin mạnh mẽ và kiên trì không? Có ai nản chí mà bỏ cầu nguyện khi thấy Chúa chậm nhận lời không?