Cách xét mình và xưng tội bằng Việt ngữ theo đề nghị của ĐTC Phanxicô

Đặng Tự Do
19/Mar/2019
Để chuẩn bị cho việc cử hành 24 giờ cho Chúa vào ngày thứ Sáu 29 tháng Ba, Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng đã phổ biến bản hướng dẫn về cách xét mình và xưng tội bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.


Khi được yêu cầu đưa ra những lời khuyên cho các hối nhân có thể xưng tội nên, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Họ nên xem xét sự thật của cuộc sống mình trước Chúa, họ cảm thấy gì, họ nghĩ gì. Họ cần quan sát bản thân mình và những tội lỗi đã phạm với lòng chân thành. Và họ phải cảm thấy mình là những người tội lỗi, và để cho mình được trầm trồ ngạc nhiên trước Thiên Chúa” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Danh Thiên Chúa là Lòng thương xót, trang 58-59).

Bản Xét Mình Của Đức Thánh Cha Phanxicô

Việc xét mình bao gồm việc tự hỏi bản thân về những tội lỗi đã phạm và những điều lành phúc đức đã lơ là bê trễ không thực hiện trong mối quan hệ với Thiên Chúa, người lân cận và chính chúng ta.

Liên quan đến Thiên Chúa 

Tôi có kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ không?
Tôi có dự lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc không?
Tôi có bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng lời cầu nguyện không?
Tôi có kêu danh thánh Chúa, Đức Maria hay các thánh vô cớ không?
Tôi có xấu hổ khi người ta biết tôi là một Kitô hữu không?
Tôi có làm gì để phát triển tâm linh không? Làm như thế? Khi nào?
Tôi có nổi loạn chống lại hoạch địch của Chúa không?
Tôi có mong đợi Ngài phải chiều theo ý riêng tôi không?

Liên quan đến người lân cận với chúng ta 

Tôi có tha thứ, thể hiện lòng trắc ẩn và giúp đỡ người lân cận của mình không?
Tôi có phỉ báng, cướp bóc, hay khinh bỉ trẻ em và những người vô phương tự vệ không?
Tôi có ghen tị, phẫn nộ, hay thiên vị không?
Tôi có chăm sóc người nghèo và người đau yếu không?
Tôi có khinh rẻ nhân tính của anh chị em tôi không?
Tôi có trung thực và công bình với mọi người hay tôi nuôi dưỡng một thứ văn hóa gạt bỏ người khác qua một bên?
Tôi có kích động người khác làm điều sai trái không?
Tôi có tuân giữ giáo huấn luân lý của Tin Mừng về hôn nhân và gia đình không?
Tôi thực thi trách nhiệm giáo dục con cái mình như thế nào?
Tôi có thảo kính cha mẹ không?
Tôi có khước từ cuộc sống mới được thụ thai không? [ngừa thai]
Tôi có dập tắt món quà cuộc sống này không? [phá thai]
Tôi có giúp ai làm như thế không? [giúp phá thai]
Tôi có tôn trọng môi trường không?

Liên quan đến bản thân 

Tôi có sống hai mặt, một chút trần tục và một chút thánh thiện, không?
Tôi có ăn, uống, hút thuốc và giải trí quá độ không?
Tôi có quan tâm đến sức khỏe thể chất và tài sản của mình một cách quá đáng không?
Tôi sử dụng thời gian của mình như thế nào?
Tôi có lười nhác không?
Tôi có muốn được người ta phục dịch không?
Tôi có yêu mến và cố gắng đạt đến sự thanh sạch trong tâm hồn, trong suy nghĩ và hành động của mình không?
Tôi có ao ước trả thù hay nuôi hận trong lòng không?
Tôi có hiền lành và khiêm nhường không? Có là người xây dựng hòa bình không?

CÁCH XƯNG TỘI? 

Khi bạn đến với tòa giải tội như một hối nhân, vị linh mục thân mật chào đón bạn bằng những lời khích lệ.
Ngài tái hiện Lòng Thương Xót Chúa. Cùng với vị linh mục, bạn làm dấu thánh giá

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 

Vị linh mục sẽ giúp bạn mở lòng mình ra tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa với những lời sau hoặc tương tự: 

Xin Thiên Chúa, Đấng hằng soi sáng mọi tâm hồn, giúp bạn nhận biết tội lỗi mình và tin tưởng vào lòng thương xót của Người. 

Vị linh mục, tùy theo hoàn cảnh cho phép, sẽ đọc trong sách hoặc nói từ ký ức của mình một văn bản từ Sách Thánh nói về lòng thương xót của Thiên Chúa và kêu gọi chúng ta hoán cải. 

Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em. (Mt 6: 14-15) 

Tại thời điểm này bạn có thể thú nhận tội lỗi của bạn. Nếu cần thiết, vị linh mục sẽ giúp bạn với những câu hỏi và lời khuyên phù hợp. Sau đó, linh mục mời hối nhân biểu lộ lòng ăn năn bằng cách đọc kinh Ăn Năn Tội hoặc một công thức tương tự: 

Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen. 

Hoặc là

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con, là kẻ tội lỗi. 

Hoặc là

Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. (Tv 25: 6-7) 

Tùy hoàn cảnh thích hợp, vị linh mục, có thể đặt hai tay (hoặc ít nhất là bàn tay phải) lên đầu của hối nhân, và nói, 

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa. Và đã ban Thánh Thần để tha tội, xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh thần. 

Bạn trả lời: Amen.

Sau khi ban phép xá giải, linh mục nói tiếp: 

Hãy tạ ơn Chúa là Đấng nhân lành 

Bạn trả lời: Lòng thương xót của Chúa tồn tại đến muôn đời.

Vị linh mục ban bình an cho bạn: 

Chúa đã giải thoát con khỏi mọi tội lỗi. Hãy ra đi trong bình an. 

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.