Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A

Mt 3,1-12

1. Lời mời gọi của Gioan Tẩy giả ở Mt 3,2 có giống với lời mời gọi của Đức Giêsu ở Mt 4,17 không? Theo cái nhìn của người Do-thái, Nước Trời là Nước nào?
2. Đọc Mt 3,2-3. Hối cải nghĩa là gì? Tại sao cần phải hối cải để chuẩn bị cho Nước Trời gần đến?
3. Đọc Isaia 40,3. ĐỨC CHÚA ở đây là ai? Đọc Mt 3,3. ĐỨC CHÚA ở đây để chỉ ai? Đâu là nhiệm vụ của Gioan Tẩy giả?
4. Đọc Mt 3,1-2.4-5. Theo bạn, tại sao Gioan có được sức hấp dẫn quần chúng mạnh mẽ như vậy?
5. Đọc Mt 3,6. Dân chúng đến với Gioan để làm gì? Nơi sông Giođan, họ nhận được ơn gì?
6. Đọc Mt 3,7-10. Ông Gioan đòi những nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm gì, và phải tránh thái độ nào, để biểu lộ lòng hối cải?
7. Trong Mt 3,10-12 có mấy từ lửa? Tin Mừng Mát-thêu có nói nhiều đến lửa không? Xem Mt 3,10.11.12; 5,22.29-30; 13,42.50; 18,9; 25,41. Lửa này là thứ lửa nào?
8. Có bao nhiêu từ hối cải trong bài Tin Mừng này? Đọc lại cả bài Tin Mừng này, bạn thấy từ hối cải mang những ý nghĩa nào?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Hối cải là như cây sinh trái tốt. Bạn nghĩ cây đời mình phải sinh trái gì trong Mùa Vọng này? Hối cải là ra khỏi sự tự mãn. Bạn thấy người Công giáo có dễ tự mãn không?

CÂU HỎI GỢI Ý
Lời mời gọi của Gioan Tẩy giả ở Mt 3,2 giống hoàn toàn với lời mời gọi của Đức Giêsu ở Mt 4,17: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần!” Trong Tin Mừng Mát-thêu, Nước Trời đồng nghĩa với Nước Thiên Chúa. Người Do-thái từ lâu đã mong ngóng Nước Thiên Chúa đến, một Nước của công lý, hòa bình và thịnh vượng, không bị chiến tranh hay kẻ thù quấy phá. Họ mong Thiên Chúa sai Đấng Mêsia đến để làm vua cai trị Nước của Ngài. Bây giờ, vị ngôn sứ Gioan loan báo rằng Nước ấy đã đến gần rồi. Đây thật là một tin mừng lớn cho dân Chúa sau thời gian dài chờ đợi.
Để đón Nước Trời đã đến gần rồi, Gioan mời mọi người Do-thái hối cải (Mt 3,2-3). Theo Cựu Ước, hối cải là quay lại, quay về với Thiên Chúa sau khi đã quay lưng đi, khi không giữ tròn giao ước với Ngài. Hối cải không phải chỉ là thay đổi lối nghĩ, mà còn là thay đổi tận căn toàn bộ lối sống của mình. Vì Nước Trời đã đến gần nên cần hối cải trong nội tâm để đón lấy món quà ấy của Thiên Chúa. Người Do-thái muốn được hưởng Nước của công lý và hòa bình thì họ phải sống trong thái độ yêu chuộng hoà bình và công lý, phải nắn cho thẳng lối sống của mình.
Thánh Mát-thêu đã trích dẫn sách ngôn sứ Isaia (550 BC) để nói về ông Gioan Tẩy giả (Mt 3,3). Nguyên văn Isaia 40,3 như sau: “Có tiếng người hô: Trong hoang địa, hãy chuẩn bị con đường cho ĐỨC CHÚA; trong sa mạc, hãy làm cho thẳng một xa lộ cho Thiên Chúa của chúng ta.” Còn trong Tin Mừng Mát-thêu ta thấy câu trên được trích như sau: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa; hãy làm cho thẳng các lối của Người.” Như vậy ta thấy thánh Mát-thêu không trích nguyên văn Is 40,3, nhưng có đổi một chút để phù hợp với Gioan Tẩy giả. Dù sao Gioan vẫn là người có nhiệm vụ dọn đường cho Đức Chúa đến. Đây không phải là con đường vật chất, nhưng là con đường của lối sống cần phải chấn chỉnh lại. Trong Is 40,3, ĐỨC CHÚA (YHWH) để chỉ Thiên Chúa. Còn trong Mt 3,3, Đức Chúa (Kurios) để chỉ Đức Giêsu Kitô.
Gioan Tẩy giả có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với dân Do-thái thời của ông. Mát-thêu 3,5 cho thấy cảnh tượng người ta từ nhiều nơi đổ xô đến với ông. Sức hấp dẫn ấy trước hết đến từ nếp sống khổ hạnh của ông về quần áo và về thức ăn (Mt 3,4). Cách ăn mặc của ông có phần giống với ngôn sứ Êlia ngày xưa (x. 2V 1,8). Nơi ở của ông cũng đặc biệt, đó là vùng hoang địa của Giuđê, nằm dọc theo bờ tây của Biển Chết. Hoang địa chính là nơi ông ông chọn để rao giảng, để lên tiếng mạnh mẽ đòi người ta hoán cải. Nói chung, từ nơi ông toát ra thần thái của một vị ngôn sứ lớn, làm người ta bị cuốn hút và tin tưởng. Hơn thế nữa, từ 400 năm nay, dân Do-thái đã chờ đợi Thiên Chúa sai một vị ngôn sứ đến với họ. Nay họ vui sướng biết bao vì Thiên Chúa đã chịu ngỏ lời với họ qua Gioan.
Ông Gioan kêu gọi mọi người hối cải. Và họ đã đáp lời bằng cách đến với Gioan để thú tội và để được ông ban phép rửa cho tại sông Gio-đan (Mt 3,6). Đó là cách họ bày tỏ lòng hối cải, muốn đổi đời. Phép rửa của Gioan tại sông Gio-đan có nét đặc biệt. Nó gắn liền với việc xưng thú tội lỗi để được tha thứ (x. Mc 1,4). Nhóm Qumran gần Biển Chết mỗi ngày đều có nghi thức dìm mình trong nước để thanh tẩy, nhưng phép rửa của Gioan thì khác, vì chỉ cần thanh tẩy một lần là đủ.
Khi những người thuộc giới lãnh đạo tôn giáo (nhóm Pharisêu và Xa-đốc) đến chịu phép rửa của Gioan, ông đòi họ phải bày tỏ lòng hối cải thật sự qua hai thái độ. Trước hết phải ra khỏi sự tự mãn, tự hào mình là con cháu tổ phụ Ápraham, và tin thế nào mình cũng được Thiên Chúa chấp nhận (Mt 3,9). Kế đó phải sinh quả tốt cho xứng với lòng hối cải (Mt 3,8.10). Gioan còn lên tiếng đe dọa họ về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống, cũng như về số phận của cái cây không sinh trái bị chặt và quăng vào lửa.
Có 3 từ lửa trong Mt 3,10-12. Lửa để đốt cái cây không sinh quả tốt (Mt 3,10), hay đốt thóc lép (Mt 3,12). Đó là lửa của sự trừng phạt. Trong Tin Mừng Mát-thêu, lửa thường là để trừng phạt kẻ dữ: Lửa hỏa ngục: Mt 5,22.29-30; 18,9; Lò lửa, nơi của những người bị tống ra khỏi Nước Chúa: Mt 13,42.50; lửa đời đời: Mt 18,8; 25,41. Phép rửa của Đấng đến sau Gioan thì được làm trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11). Lửa ở đây hẳn không để trừng phạt, nhưng để thanh luyện.
Có ba từ hối cải trong bài Tin Mừng này (Mt 3,2.8.11). Hối cải được diễn tả bằng ba cách. Hối cải bằng cách dọn đường cho Chúa, làm đường cho thẳng (Mt 3,3). Hối cải bằng cách sinh hoa trái (Mt 3,8). Hoán cải bằng cách chịu phép rửa của Gioan (Mt 3,11).